Những thông tin về NIÊM PHONG HÀNG HÓA quan trọng nhất

11/07/2023

Vận chuyển hàng hóa dù qua đường bộ, đường biển hay đường hàng không thì đều khó tránh khỏi những rủi ro không mong muốn như thất lạc, mất cắp,… khi giao nhận. Việc gặp phải những rủi ro này trong quá trình vận chuyển không những gây thiệt hại trực tiếp cho phía người gửi mà còn gây ảnh hưởng đến độ uy tín của đơn vị vận chuyển. Chính vì thế, để đảm bảo độ an toàn cho lô hàng khi vận chuyển thì việc niêm phong hàng hóa là giải pháp đơn giản nhất được nhiều người lựa chọn. Hãy cùng Vietpost Logistics đi sâu vào bài viết dưới đây để tìm hiểu nhé!


1. Niêm phong hàng hóa là gì? Sử dụng vật dụng gì để niêm phong?

Niêm phong hàng hóa hay còn có tên khác là niêm phong hải quan. Trong tiếng anh cụm từ này được gọi là “Customs Sealing”. Tại Khoản 15, Điều 4 Chương I Luật Hải quan năm 2014 nêu rõ: “Niêm phong hải quan là việc sử dụng các công cụ kỹ thuật hoặc các dấu hiệu để nhận biết và bảo đảm tính nguyên trạng của hàng hóa”.

Để thực hiện hoạt động niêm phong, cần sử dụng các loại seal niêm phong. Tùy thuộc vào hình thức vận chuyển và nhu cầu của người gửi mà họ có thể sử dụng các loại seal niêm phong các nhau. Thế nhưng, một số loại seal thường được sử dụng để niêm phong hải quan hay được sử dụng rộng rãi như: seal niêm phong cáp, seal niêm phong container, seal niêm phong nhựa, seal niêm phong nhựa khóa vặn,…

Niêm phong hàng hóa là gì?

Niêm phong hàng hóa là gì?

>> Xem thêm: Chi tiết về quy định vận chuyển chất lỏng qua đường hàng không

2. Trong trường hợp nào hàng hóa phải niêm phong khi vận chuyển?

Niêm phong là hoạt động cần thiết và bắt buộc phải thực hiện đối với một số loại hàng nhất định. Thêm vào đó, tại Thông tư 38/2015/TT-BTC đã quy định rõ về các trường hợp hàng hóa phải niêm phong theo quy định khi vận chuyển như sau:

  • Hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thuộc trường hợp phải niêm phong theo quy định. Đối với trường hợp hàng quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam nhưng không thay đổi phương tiện vận tải từ cửa nhập đầu tiên đến cửa khẩu xuất thì không phải niêm phong.
  • Hàng hóa xuất khẩu phải kiểm tra thực tế được vận chuyển từ nơi làm thủ tục hải quan, điểm kiểm tra nội địa, kho ngoại quan, kho CFS, cảng xuất nhập khẩu thành lập trong nội địa,… thì bắt buộc phải niêm phong khi chuyển đi.
  • Hàng hóa là hàng nhập khẩu được vận chuyển từ cửa khẩu đến nơi làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu hoặc địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa nội địa.
  • Hàng hóa khi nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam đến cửa khẩu và được người vận tải chuyển đến cảng đích ghi trên vận đơn hoặc kho hàng kéo dài. Trừ các trường hợp hàng nhập khẩu được người vận tải chuyển qua phương tiện khác để chuyển đến cảng đích ghi trên vận đơn hoặc không thay đổi phương tiện vận chuyển thì không phải niêm phong.
  • Hàng hóa từ nước ngoài khi được vận chuyển từ cửa khẩu nhập về kho ngoại quan, khu phi thuế quan trong khu kinh tế cửa khẩu, kho CFS, cửa hàng miễn thuế và ngược lại.
  • Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất.

Đối với các trường hợp phải niêm phong hải quan, người khai hải quan có trách nhiệm xuất trình hàng hóa cho cơ quan hải quan nơi quản lý địa điểm lưu giữ hàng hóa để thực hiện việc niêm phong trước khi đưa hàng qua khu vực giám sát.

Các trường hợp phải niêm phong được quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 52 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Các trường hợp hàng hóa cần phải niêm phong khi vận chuyển

Các trường hợp hàng hóa cần phải niêm phong khi vận chuyển

>> Có thể bạn quan tâm: [GIẢI ĐÁP]: Những ngày lễ tết dịch vụ vận chuyển có hoạt động không?

3. Trường hợp nào hàng hóa không cần phải niêm phong khi vận chuyển?

Niêm phong là hoạt động bắt buộc phải thực hiện với một số trường hợp khi vận chuyển. Thế nhưng, cũng có trường hợp hàng hóa không cần niêm phong khi vận chuyển. Cụ thể tại Khoản 4, Điều 50, Thông tư Số: 39/2018/TT-BTC đã quy định như sau:

  • Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khai vận chuyển kết hợp được miễn kiểm tra thực tế.
  • Hàng hóa là hàng rời, hàng hóa siêu trường, siêu trọng, hàng cồng kềnh không thể niêm phong hải quan.
  • Hàng hóa từ nước ngoài giữ nguyên trên phương tiện vận tải nhập cảnh được vận chuyển từ cửa khẩu nhập đầu tiên đến cửa khẩu xuất cuối cùng nhưng không dỡ hàng xuống cảng biển, cảng hàng không tại Việt Nam.
  • Hàng hóa xuất khẩu vận chuyển bằng container từ cảng này đến cảng khác được dỡ xuống phương tiện vận tải đường thủy hoặc để trên tàu xếp chồng khít, nhiều tầng, nhiều lớp để vận chuyển đến cửa khẩu xuất nếu còn nguyên niêm phong của hãng vận chuyển.
  • Hàng hóa nhập khẩu được vận chuyển từ cửa khẩu nhập tại cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không, ga đường sắt đến cảng đích ghi trên vận đơn nhưng được chuyển sang phương tiện vận tải khác cùng loại hình vận chuyển hoặc không thay đổi phương tiện vận tải để vận chuyển đến cảng đích nếu đáp ứng điều kiện được chứa trong container, toa xe còn nguyên niêm phong của hãng vận chuyển.
  • Hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không, đường sắt còn nguyên niêm phong của hãng vận chuyển ghi trên chứng từ vận tải để vận chuyển đến Việt Nam, hàng hóa quá cảnh qua đường hàng không quốc tế được đưa vào Việt Nam và đưa ra nước ngoài tại cùng một cảng hàng không quốc tế.
  • Hàng hóa trung chuyển giữa các cảng biển chứa trong container còn nguyên niêm phong của hãng vận chuyển; hàng hóa trung chuyển được vận chuyển giữa các bến cảng trong cùng một cảng biển bằng đường biển, đường thủy nội địa chứa trong container còn nguyên niêm phong của hãng vận chuyển, hàng hóa trung chuyển từ nước ngoài đưa vào bến cảng trung chuyển và được đưa ra nước ngoài tại chính bến cảng trung chuyển này.
  • Hàng hóa khác không thuộc các trường hợp phải niêm phong hải quan.

Bài viết trên đây của Vietpost Logistics đã chia sẻ cho bạn thông tin chi tiết về niêm phong hàng hóa. Bạn cần nắm rõ các thông tin này và áp dụng phù hợp vào các trường hợp cụ thể để đảm bảo hoạt động vận chuyển hàng hóa diễn ra suôn sẻ và an toàn.

Chúc các bạn thuận buồm xuôi gió!

>> Xem thêm: Hướng dẫn cách tính phí vận chuyển đối với những đơn hàng giao lại chính xác nhất